1. Lập danh sách các game cần mua theo thứ tự ưu tiên
Đây là việc nên làm đầu tiên khi bạn thực sự nghiêm túc với việc “Mua game hiệu quả”. Kiểu như một hôm nào đó tinh thần thoải mái sẵn sàng đối diện với bản thân để trả lời thành thật câu hỏi “Mình là một gamer như thế nào?” thì hãy ngồi xuống bàn lấy giấy viết ra ghi cẩn thận. Sau khi xác định được game mình thích thì bạn sẽ rất dễ dàng lập ra danh sách thứ tự các game mình muốn mua.
Kiểu như tui, tui thường phân game ra 3 thể loại thứ tự ưu tiên từ trên xuống như sau:
- Loại chắc chắn mình thích thì luôn luôn được ưu tiên rút hầu bao
- Loại có vẻ thích nhưng không chắc chắn lắm thì đưa vào ưu tiên thứ 2 và chỉ mua khi giảm giá đến mức 50%-75%
- Thể loại game tuy không phải dạng mình yêu thích nhưng được xã hội đánh giá vào dạng “Best of the best” => Một ngày đẹp trời khi trái tim rộng mở, giảm 75% => Mua.
2. Không nên mua ngay khi game mới ra mắt
Trừ khi đó là game thuộc dạng “bạn đời” này kia luôn thì mình mới bằng mọi cách mua ngay trong ngày ra mắt còn không thì tui khuyên bạn nên kiên nhẫn chờ, đa số các game sau vài tháng sẽ giảm 25%, sau đó 50% và những dịp giảm giá đặc biệt có thể lên đến 75%.
Việc chưa mua ngay trong ngày ra mắt cũng có cái hay nữa là mình có thời gian chờ xem phản hồi từ cộng đồng chơi game xem như thế nào? có giống như các tờ báo review hay không? Phần chơi mạng có lag nhiều không? Cộng đồng có đông không?
Một cách nữa là mình không mua trong ngày ra mắt mà là mua…một thời gian dài trước ngày ra mắt! Hiện tại ngày càng nhiều game các nhà phát triển sử dụng chương trình “Early Access” để bán game sớm cho khách hàng (thường là các game indie) tuy các game ở trong giai đoạn Early Access thường chưa hoàn chỉnh chức năng nhưng khi đó game sẽ có giá mềm hơn.
Mua “Early Access” cũng là một cách bạn ủng hộ sớm cho các game mình yêu thích.
3. Mua bán, trao đổi game với các gamer khác
Để tiết kiệm bạn nên mua game ở dạng đĩa và bán lại cho người khác sau khi đã chơi xong. Lúc đó có thể mình bán lại với giá chừng 70% giá trị gốc nhưng còn hơn rất nhiều so với việc mua game theo format digital, vì có những game dạng phiêu lưu bạn chơi qua chừng 1-2 lần là đã không còn muốn chơi nữa rồi, khi đó nếu game dạng digital thì xem như mình cứ bỏ đó “đóng bụi” một cách rất đáng tiếc.
Hiện tại có nhiều cửa hàng hoặc các group trên Facebook chuyên mua bán trao đổi game như thế này, đặc biệt là game từ PS4 và XBOX.
Theo tui, chỉ mua game digital khi đó là dạng game có thể chơi lâu dài, kiểu một game multiplayer mình có thể chơi 5-10 năm chẳng hạn. Khi đó mua như vậy cho nó gọn gàng.
4. Đừng mua game với cảm giác “Bỏ thì thương, vương thì tội”
Theo một nghiên cứu gần đây thì những đợt Steam Sales là những “chiếc bẫy ngọt ngào” kiểu như Gaben dụ khị chúng ta lầm tưởng mình là một cô gái trẻ đẹp đi ngang siêu thị thấy giảm giá 50% thế là vào hốt nhưng thực chất theo tui đấy là những game mình mua vì “không mua thì uổng” chứ không phải mua để chơi, vì nếu đấy là một game sinh-ra-là-để-dành-cho-tui thì tui đã xả thân mua từ lâu rồi.
Hạn chế việc “ừ, GTA 5 người ta nói hay lắm game tầm cỡ vũ trụ” đồ thì hốt trong khi tạng game của mình là dịu dàng yếu đuối kiểu Firewatch?
Có những gamer thích mua game như một dạng “nhà sưu tầm”, tui hoàn toàn tôn trọng chuyện đó vì tui cũng thích như vậy. Nhưng để hiệu quả nhất thì lời khuyên của tui luôn là: Mua những gì bạn sẽ thực sự chơi!
5. Chờ các đợt giảm giá lớn trong năm
Thực chất cũng có trường hợp có nhiều game bạn thích nhưng do “đời sinh viên” không thể rước em nó về thì hãy luôn “canh chừng” những đợt Steam Sales, hàng năm Steam có khoảng 2-3 đợt sale lớn trong đó sẽ có những game giảm đến 75%. Có những game rất hay của năm ngoái với giá 20 USD thì đợt sale năm nay có thể chỉ còn 5 USD mà thôi.
Không chỉ Steam, các store game khác từ GOG, Blizzard và cả các cửa hàng bán đĩa game hiện nay đều “ăn theo” các kỳ lễ lớn như Christmas, New Year, Black Friday để giảm giá khủng. Nên phải luôn sẵn sàng hầu bao để “ném tiền qua cửa sổ (tâm hồn)” nhé, hehe!
Cụ thể hơn một chút về các đợt Steam Sales:
– Summer Sales (Khoảng tháng 6-7) – Winter Sales (Khoảng tháng 12-1) – Autumn Sales (Khoảng tháng 11) – Rồi còn Halloween, Christmas Sales
Mỗi tuần Steam Sales cũng có 2 chương trình giảm giá là “Midweek Madness” và “Weekend Deals”.
Hàng ngày lại có Daily Deal nên cách tốt nhất là theo dõi Steam thường xuyên.
Để cập nhật countdown xem khoảng bao nhiêu ngày nữa thì (có thể) sẽ có đợt sale lớn thì tham khảo website này: http://www.whenisthenextsteamsale.com/
Bạn cũng có thể theo dõi 2 website sau để xem hàng ngày có deal gì mới, tổng hợp từ nhiều store khác nhau:
6. Mua game theo gói (Bundle) giảm giá
Hiện tại có rất nhiều chương trình mua game giảm giá theo gói và các chương trình này có thể diễn ra bất kỳ thời điểm nào trong năm. Đơn cử như các gói từ Humble Bundle nhiều khi có những deal cực kỳ hời mà trong đó một gói 10 game mà ta chỉ cần một game thôi cũng thấy rất là đáng giá rồi.
Kinh nghiệm của tui: Hãy mua khi những gói này có game mình thích và game mình gần-gần-thích.
Vài link cho các bạn tham khảo:
7. PC Master Race
Cái này sẽ có nhiều tranh cãi cơ mà cá nhân tui nếu chỉ chọn một và chỉ một thiết bị chơi game chắc chắn tui sẽ chọn PC. Đúng là PC thường đắt hơn console và cũng đúng là PC thường mất công set-up hơn so với console (chỉ cần mở máy lên chơi game là xong, không cần lo lắng cấu hình, cài driver các thứ). Trừ khi bạn quá thích một game exclusive nào đó trên console mà thôi.
Nhưng như những gì tui để cập ở trên, PC là mảnh đất màu mỡ nhất để game thủ có thể tìm các deal giá rẻ với đủ các loại hình thức từ mua theo mùa sales, mua theo gói (bundle), mua theo các chương trình subscription…
Trên PC, hôm nay không có deal trên Steam thì rất có thể sẽ có trên GOG, không có trên 2 dịch vụ này thì sẽ có cơ số các bundle…cứ thế cứ thế.
8. Game trên mobile thường luôn rẻ trên các hệ khác
Một game 10 USD lên mobile còn 5 USD thậm chí rẻ hơn là việc bình thường, gần đây khi Apple Store chuyển sang dùng đơn vị tiền là Việt Nam thì thậm chí tui thấy có những game thay vì 22.000 VNĐ thì nó lại có 9.000 VNĐ, cái này chưa kiểm chứng kỹ nhưng hy vọng nó như trường hợp Apple Music, ở Việt Nam rẻ hơn ở Mỹ.
9. Thực sự hiểu cách vận hành của các Store
Đừng bao giờ tiếc thời gian để tìm hiểu các store mua game của mình vì có rất nhiều thứ hay ho mà bạn cần phải biết để mua game sao cho có lợi nhất: Ví dụ như Steam có chế độ cho hoàn trả lại game một thời gian ngắn sau khi mua, nên nếu lỡ có mua game rồi mà cảm thấy không hợp thì mau mau trả lại còn kịp.
Ví dụ nữa, chẳng hạn như Xbox Store và PS Store có dịch vụ Subscription trong đó mỗi tháng sẽ có những game bình thường trả phí sẽ được free để mọi người chơi. Rồi chẳng hạn như đăng ký thành viên VIP trả tiền theo tháng thì mua game được giảm %.
Lại ví dụ nữa, như hiện nay nhiều game trên Xbox Store nếu có dán nhãn “Play Anywhere” thì có nghĩa là nếu bạn mua các game này bạn đều có thể chơi trên Xbox Store lẫn PC chạy Windows 10 (một bằng chứng nữa cho chuyện PC Master Race). Rất là có lợi luôn.
Cho nên, hãy dành thời gian mà đọc kỹ về chức năng cũng như các chính sách các Store mình hay mua game nhé.
Nguồn: hiepsibaotap.com
Để lại bình luận
Email của bạn sẽ được giữ bí mật. Các phần bắt buộc được đánh dấu *